TRAN XUAN AN - GOP PHAN VAO WIKIPEDIA

Friday, June 23, 2006

WIKIPEDIA - KIẾN PHÚC (bản lưu B)

Wikipedia KIEN PHUC 23 & 24-06 HB6 ( 2006 )


Thay lời dẫn: Trả lời thành viên Mekong Bluesman

1. Riêng về tiểu mục "Cái chết của Kiến Phúc", hơn một trăm năm nay, bởi vì khá nhiều người vẫn còn "mê tín" vào các tư liệu của người Pháp (thực dân Pháp, giám mục, linh mục Pháp), "được" đào tạo trong nhà trường Pháp thuộc, kém dần chữ Hán (ĐNTL.CB., châu bản chưa dịch), nên vẫn còn tình trạng "bán tín, bán nghi" về tin đồn, "dư luận" quanh cái chết của Kiến Phúc. Phương pháp phân loại tư liệu sử học bị xem nhẹ, cứ đánh đồng các loại, thậm chí "mê tín" sách báo của giám mục, linh mục hơn, cũng là nguyên nhân quan trọng, dẫn đến tình trạng "bán tin, bán nghi" ấy. TRUNG LẬP "MÁY MÓC", phải chăng chính là vậy đó! Thế mà không ít cuốn sách của những "Lê Tắc thời cận - hiện đại" trong nước, ngoài nước, trong Nam, ngoài Bắc được thổi phồng.

Vì vậy, cứ tranh cãi mãi không thôi. Vả lại, tôi muốn giải quyết vấn đề cho dứt khoát.

Từ những lí do đó, bài viết cần có sức thuyết phục, bằng chính các tư liệu có xuất xứ đầy đủ, đồng thời cần bình chú vài nét về các tư liệu ấy. Thêm vào đó, phải lập luận chặt chẽ trên cơ sở những tư liệu đã đưa ra.

(Xin mạn phép được nhắc lại: Nếu cứ TRUNG LẬP "MÁY MÓC", không phân loại tư liệu và đánh giá độ khả tín của từng tư liệu, tình trạng "bán tín, bán nghi" cứ còn mãi! Thủ đoạn gieo nghi án vào nhân vật lịch sử, thủ đoạn tung hỏa mù vào sự kiện lịch sử vẫn không bao giờ chấm dứt!).

Có lẽ thành viên Mekong Bluesman hiểu vì sao mà bài lại dài (thật ra cũng không dài gì lắm!).

2. Tình trạng của bài viết chính hiện nay: Phần chính văn của bài khá ngắn, nhưng phần chú giải tư liệu lại khá dài, so với các bài viết khác (đến nay, hiện trạng bài viết là cả hai phần gần tương đương). Ấy là do một vài thành viên đưa hầu hết tư liệu và bình chú tư liệu xuống dưới. Tôi có nói về điều này (phân biệt chức năng, tầm quan trọng của chính văn và cước chú). Sau đó, có thành viên khác đưa một số trích đoạn tư liệu quan trọng lên phần chính văn, cho hợp lẽ. Đến nay, hình dạng bài viết như thế cũng được, không có gì lạ cả. Có khá nhiều cuốn sách, bài viết, trong đó 2/3 là chú giải, 1/3 là chính văn. Ai muốn ngắn gọn, dễ đọc mà vẫn nắm được thông tin chính, chỉ cần đọc phần chính văn. Ai còn thắc mắc, đi sâu vào nghiên cứu, xin mời đọc thêm phần chú giải.

3. Sở dĩ trong tiểu mục này có các chữ "Trần Xuân An", "nhà nghiên cứu Trần Xuân An" là do các thành viên khác thêm vào. Quý vị ấy xếp ý kiến tôi vào loại ý kiến mang màu sắc cá nhân, chứ không phải của Wikipedia. Tôi thấy như thế cũng không sao. Văn chính luận, ngay cả văn nghiên cứu, ít nhiều có sắc thái biểu cảm của người viết là hợp lẽ thông thường. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những dòng chữ của mình (thực sự là khoảng 90% bài viết, trừ những chữ thêm vào bớt ra bởi nhiều thành viên khác).

4. Tôi nhận thấy tiểu mục này ở bài viết chính như tôi trưng cầu ý kiến là đã hoàn chỉnh. Tôi cũng không thấy thú vị gì khi cứ tranh luận trong điều kiện các thành viên cứ giấu tên tuổi, quê quán. Đành rằng "nặc danh" cũng là quyền, ý kiến "nặc danh" cũng không phải không có giá trị, nhưng "nặc danh" cũng có thể dẫn đến thái độ vô trách nhiệm trước những dòng chữ của mình. Tôi vẫn ước mong các nhà sử học có tên tuổi lên tiếng phản đối, nhưng chẳng thấy ai.

Trân trọng & cảm ơn.

Xin lỗi, có một số từ ngữ tôi dùng hơi biểu cảm trong những dòng trả lời này.

09:27, ngày 24 tháng 6 năm 2006 (UTC)

Trần Xuân An



Tôi đã đưa bài "Trả lời thành viên Mekong Bluesman" vào khung blog lưu trữ để tránh những sửa đổi từ ngữ trong bài:

http://www.tranxuanan-wikipedia.blogspot.com

Trần Xuân An 210.245.31.16 00:31, ngày 25 tháng 6 năm 2006 (UTC)





Kiến Phúc

http://vi.wikipedia.org/
wiki/Ki%E1%BA%BFn_Ph%C3%BAc


Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Bước tới: menu, tìm kiếm

Đang bàn cãi về thái độ trung lập (TĐTL) của bài này.
Xin xem thảo luận ở trang thảo luận.


Kiến Phúc
Năm sinh-mất: 1869–1884

Tên húy:
Nguyễn Phúc Ưng Đăng
Trị vì: 1883–1884
Triều đại:
Nhà Nguyễn

Niên hiệu:
Kiến Phúc (1883-1884)
Miếu hiệu:
Giản Tông
Thụy hiệu:
Nghị Hoàng Đế
Vua Kiến Phúc (1869–1884) là vị vua thứ 7 của nhà Nguyễn, lên ngôi ngày 2 tháng 12 năm 1883, tại vị được 8 tháng thì qua đời.

Mục lục
[giấu]

• 1 Tiểu sử
o 1.1 Thiếu thời
o 1.2 Trị vì
• 2 Cái chết của Kiến Phúc
o 2.1 Các ý kiến cho là đầu độc
o 2.2 Các ý kiến cho là chết tự nhiên
o 2.3 Chú giải
• 3 Xem thêm
• 4 Cái chết của Kiến Phúc (bản đầy đủ, hoàn chỉnh, đã trưng cầu ý kiến)
o 4.1 Các ý kiến cho là chết do đầu độc
o 4.2 Các ý kiến cho là chết do bệnh nan y
o 4.3 Chú giải
o 4.4 Xem thêm


A. Tiểu sử

I. Thiếu thời

Vua Kiến Phúc tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con thứ 3 của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh. Ưng Đăng được sinh ra đời vào ngày 2 tháng giêng năm Kỷ Tỵ, tức 12 tháng 2 năm 1869.

Vua Tự Đức vì lúc nhỏ bị bệnh đậu mùa nên không có con. Ông nhận 3 con trai của hai người em làm con nuôi, trong đó con đầu là vua Dục Đức. Năm 1870 lúc được 2 tuổi, Ưng Đăng được vua Tự Đức nhận làm con nuôi thứ ba và giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương trông coi, dạy bảo.

II. Trị vì

Sau khi vua Hiệp Hòa bị phế truất, vào ngày 2 tháng 12 năm 1883, Ưng Đăng được đưa lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Kiến Phúc. Khi đó Ưng Đăng mới 15 tuổi, mọi việc đều do hai đại thần phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định.

Đại Nam thực lục chính biên (ĐNTL.CB., tập 36, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 18 - 20), ghi nhận rằng: Ưng Ðăng được tin triều đình tới rước mình về làm vua, đang đêm khuya khoắt, nên rất sợ hãi, nhưng vẫn bị đem lên kiệu đưa về kinh thành. Ưng Đăng nói, "Ta còn bé, sợ không làm nổi", nhưng Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tâu "Xin lấy tôn miếu, xã tắc làm trọng", và đưa lên ngôi với sự đồng ý của hoàng thái hậu Từ Dũ.

Sau khi nhà Thanh (Trung Hoa) kí Hòa ước Thiên Tân với Pháp, triều đình Đại Nam (Việt Nam), ở tình thế bị cô lập hoàn toàn, đành phải chấp nhận Hiệp ước Giáp Thân (1884). Tuy vậy, triều đình Đại Nam, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, vẫn cố gắng thúc đẩy sự tiếp diễn thế trận "tọa sơn quan song hổ đấu" (cuộc chiến Pháp - Hoa). Nhiều quan thấy vậy, từ quan, ở ẩn hoặc đơn độc chiêu mộ quân, khởi binh chống Pháp, hoặc chiến đấu dưới cờ quân Thanh.

Triều đại Kiến Phúc chỉ kéo dài 8 tháng. Từ tháng tư (âm lịch) năm Giáp Thân, Kiến Phúc ngã bệnh. Ngày 10 tháng 6 âm lịch năm này, (31 tháng 7 năm 1884), Kiến Phúc mất vào giờ ngọ (Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTL.CB., sđd., tr. 150 – 151).

Lúc mất, Kiến Phúc mới 16 tuổi, chưa nạp phi, không có con cái.

Sau khi mất, bài vị vua Kiến Phúc được đưa vào thờ trong Thế miếu và có miếu hiệu là Giản tông Nghị Hoàng đế. Lăng của Kiến Phúc, hiệu Bối lăng, ở phía trái Khiêm lăng, tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.


B. Cái chết của Kiến Phúc

Quốc sử quán triều Nguyễn [1] viết:

"Vua không khỏe, tháng tư trước, ngọc thể vi hoà, đình thần đã xin vua tĩnh dưỡng, và chia nhau đi cầu đảo các linh từ; sau đó đã khỏe, nhưng chưa được bình phục như cũ; đến ngày mồng 7 tháng này, ngày kỷ mão, mới ngự điện Văn Minh, chịu lễ chầu mừng, ban thưởng lụa hoa cho các bầy tôi có sai bậc, rồi sau lại không được khỏe. Thái y tiến thuốc, không thấy công hiệu. Ngày mồng 10, nhâm ngọ, bệnh kịch; giờ ngọ hôm ấy vua mất ở chính điện Kiền Thành.

Hoàng thái phi bèn vời bọn Tôn nhân phủ Miên Định, phụ chính phủ thân đại thần Hồng Hưu, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và Hộ bộ thượng thư Phạm Thận Duật, truyền bảo hoàng đế di chúc rằng: "Hoàng đế đức mỏng, có em là Ưng Lịch có học có hạnh, hoàng đế như có mất đi, truyền bảo tôn nhân phụ chính nên lấy Ưng Lịch vào nối ngôi lớn, để phụng tôn miếu; lại đại lễ tiên hoàng đế chưa xong, và lấy của dùng chưa sẵn, vậy hợp thành tang lễ châm chước làm được 4, 5 phần mà thôi, chớ cầu thể lệ".

Bấy giờ, Miên Định công và phụ chính thân đại thần truyền lệnh cho biết. Tôn nhân phủ, văn võ đình thần bèn hợp từ tâu lên Từ Dụ thái hoàng thái hậu; hoàng thái hậu rước công tử Ưng Lịch (là con thứ 5 Kiên Thái vương Hồng Hợi, biện phụng vương ấy), vào nhà tang xưng là tự quân, phàm việc tâu xin tuân hành; chọn ngày lành làm lễ tấn tôn (đó là vua Hàm Nghi)...".


Đó là một cái chết hoàn toàn do bệnh kéo dài và tái phát, không phải bất ngờ (có truyền di chúc). Tuy nhiên, có nhiều tài liệu khác ghi lại các thông tin liên quan đến cái chết của Kiến Phúc, trong đó xoay quanh vấn đề Kiến Phúc có bị Nguyễn Văn Tường đầu độc hay không. Phần dưới đây trình bày theo trình tự lịch sử của các tài liệu hiện đang mâu thuẫn với nhau về việc này.

[sửa]
I. Các ý kiến cho là chết do đầu độc

Trong "Việt Nam sử lược", Trần Trọng Kim chỉ cước chú thêm về chuyện Nguyễn Văn Tường đầu độc Kiến Phúc như là một tin đồn. Ông ghi: "Lại có chuyện rằng:...".[2]

Sau này các tác giả như Phạm Văn Sơn [3][4], Tôn Thất Bình [5] v.v. viết thêm về tin đồn Kiến Phúc bị Nguyễn Văn Tường cho uống thuốc độc chết vì bị vua bắt gặp đang tư tình với bà Học phi Nguyễn Thị Hương. Để bịt miệng vua, lợi dụng lúc vua đang bệnh, Nguyễn Văn Tường đưa thang thuốc độc để Học phi bỏ vào thuốc trị bệnh của vua, sắc ra, dâng vua uống.

Theo một số nguồn khác (học giả Bửu Kế [6], nhà biên soạn sử Phan Khoang [7] có liệt kê, giáo sư Trần Văn Giàu [8] có đề cập và nhất trí) thì Nguyễn Văn Tường cùng Tôn Thất Thuyết đã bàn định với nhau, quyết đầu độc Kiến Phúc để đưa Hàm Nghi lên ngôi, bởi Kiến Phúc cũng theo Pháp như Dục Đức, Hiệp Hòa.

[sửa]
II. Các ý kiến cho là chết do bệnh nan y

Khâm sứ Pháp Rheinart [9] ghi rằng vua mất vì bệnh và không quên ghi thêm theo suy nghĩ của chính Rheinart, ấy là do sự độc đoán của hai phụ chính. Nguyên văn như sau:

"... Cha của vua đã mất vì bịnh điên. Cái chết của vua [Kiến Phúc] là một cái chết tự nhiên [mort naturelle], nhưng nó đã đến một cách quá bất ngờ làm cho mọi người kinh ngạc. Ðứa trẻ đáng thương đã làm vua một cách miễn cưỡng: nó sống trong sự kinh hoàng, luôn luôn lo sợ bị một số phận như người tiền nhiệm, buồn bực, trầm mặc, trốn tránh mọi người. Trong một thời gian khá lâu nó không dậy nổi, tôi không biết nó có thể đứng lên mà không cần người đỡ không, từ lúc bị bịnh, nghĩa là từ ba tháng nay...".

Một số nhà nghiên cứu [10] với các phương pháp luận mà họ cho là khoa học, có thẩm định, phân loại và đối chứng sử liệu, cho rằng các nguồn thông tin về giả thuyết đầu độc là không chính xác, và đưa ra kết luận là vào giai đoạn lịch sử này ở Việt Nam, lực lượng quân Pháp và những người theo họ muốn tung tin để hạ uy tín Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết (những người chủ trương chống Pháp) và làm triều Nguyễn rệu rã, suy vong[11].

Đồng thời, cũng căn cứ vào sử liệu gốc ("Đại Nam thực lục, chính biên", kỉ đệ ngũ), cùng với quy chế nội cung liên quan và bằng tư duy thực nghiệm, những nhà nghiên cứu này, trong đó có Trần Xuân An[12], khẳng định rằng vua Kiến Phúc mất vì bệnh tái phát nguy kịch, mọi loại thuốc thang do các quan ngự y dâng lên đều vô hiệu, bệnh không thể thuyên giảm. Trần Xuân An[12] cho rằng Phạm Văn Sơn, Tôn Thất Bình... đã đưa vào các tình tiết mang tính tiểu thuyết và hư cấu, nói về tin đồn như thể về sự thật, hoặc họ thiếu kiến thức về quy chế nội cung, công việc của Viện Thái y, Thị vệ đại thần, cụ thể là nguyên tắc nghiêm ngặt trong việc bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc và sắc thuốc dâng lên vua.

Kiến Phúc là một vị vua trẻ, thông minh, hạnh kiểm tốt và có chí duy tân, nhưng tiếc thay đã mắc phải bạo bệnh, đúng như nội dung bản kim sách trong lễ tấn tôn tên thụy và tên hiệu:

“Kính nghĩ:

Đại hành hoàng đế [cách gọi vua mới mất - ct.] anh minh chất tốt, hiếu hữu tinh kiêm. Ngày chửa lên ngôi, người đều mong đợi. Kịp khi kính nối nghiệp lớn, ngửa theo chí xưa, tấc dạ tiếng lo, dựng làm trăm việc. Kính sợ trời trong khi biến chuyển, bắt phép tổ, đốc chí nối noi… […]… Kinh diên ngày ngự, nghiên cầu học thuật đế vương. Sử yếu sửa sang, xem xét việc làm sau trước… […]… Vả lại thời sự đương nhiều gian nan, ngày cùng với phụ chính thân thần và đại thần [viết rút gọn là: phụ chính thân, đại thần], đo đắn cơ nghi, tính kĩ công việc, làm cho ngoại tình thiếp phục [:tình hình bên ngoài ổn định, thuận theo - ct.], chuyển nguy làm yên. Chưa kịp một năm mà thiện chính không sao xiết kể! Đương cho là mặt trời mới mọc, thị thính duy tân, không ngờ đám mây che khắp mặt hồ [:vua chết - ct.], mọi người gào không kịp nữa! Than ôi, đau thương thay!”…

“Kính nhớ đại hành hoàng đế, lòng chuộng cao xa, đạo theo khiêm tốn. Khi chưa tức vị, tiếng nhân hiếu đồn khắp mọi nơi. Lúc đã lên ngôi, lời ca ngợi hầu vang khắp chốn. Buổi mặt trời mọc, gặp biên [thùy - ct.], [triều - ct.] đình đa gian, lo lắng một niềm, sửa sang trăm việc. Đem lòng kính để thờ trời, thì đặt đàn giao tế lễ… […]… Mở kinh duyên [:diên; kinh diên: nơi vua học tập - ct.], để tìm xem chính trị dở hay. Chép sử yếu, để xét việc xưa nay suy thịnh…” [13].


[sửa]
Chú giải

[1] ▲ "Đại Nam thực lục, chính biên" [ĐNTL.CB.], tập 36, Nxb. Khoa học xã hội [KHXH.], Hà Nội, 1976, tr. 150 – 151).

[2] ▲ Trần Trọng Kim, "Việt Nam sử lược" (xuất bản lần đầu 1921, Nxb. Tân Việt trước 1975 tái bản nhiều lần, và Nxb. Trẻ TP. HCM. tái bản 1999, tr. 571).

[3] ▲ Phạm Văn Sơn, "Việt sử tân biên" (trọn bộ 5 tập gồm 7 cuốn), cuốn 6 (tức tập 5 trung), in tại nhà in Bùi Trọng Thúc (đường Võ Tánh, Phú Nhuận), Sài Gòn, 1963, tr. 13 & 14. Trong tập 5 trung, Phạm Văn Sơn có ghi: "Câu chuyện trên đây có sự thực hay không, hoặc vua Kiến Phúc chết vì bệnh hơn là vì bị đầu độc, ngày nay khó ai nói chắc được...", nhưng lại viết cả một trang sách về vụ này với các chi tiết như Nguyễn Văn Tường lả lơi với Học phi, họ trao thuốc lá hút dở cho nhau một cách tình tứ, rồi Kiến Phúc thốt ra một câu đe dọa giết cả ba đời nhà Nguyễn Văn Tường...Giờ vua mất ghi trong sách này không khớp với chính sử.

[4] ▲ Phạm Văn Sơn, "Việt sử toàn thư", 1 tập, tác giả tự xuất bản, in tại Thư Lâm ấn thư quán, Sài Gòn, 1960, tr. 661 & 669. Trong tập này, Phạm Văn Sơn cũng chỉ cước chú: "Theo dư luận ở Huế..." nhưng lại viết: "Vua Kiến Phúc ở ngôi được hơn 6 tháng và mất ngày mồng 7 tháng tư năm Giáp Thân (1884) trong một trường hợp vô cùng thê thảm như trên đã kể". Ngày mất của vua ghi trong sách này không khớp với chính sử.

[5] ▲ Tôn Thất Bình, "Kể chuyện chín chúa, mười ba vua triều Nguyễn", Nxb. Đà Nẵng, 1996, tr. 95. viết: "Cái chết của Kiến Phúc tuy vẫn còn trong vòng bí mật nhưng người đời nghi là Nguyễn Văn Tường đã đánh tráo thuốc của Thái y viện...". Ông còn trích dẫn "Vè thất thủ kinh đô" ở một dị bản nào đó với một đoạn mà trong 7 bản lưu hành trước đây do Lương An sưu tầm, chỉnh lí, đều không có đoạn ấy. Có thể đoạn ấy thuộc dị bản thứ 8, gọi là "bản Đạm Hiên". Lương An đã thẩm định bản Đạm Hiên này như sau: "Cũng xin nói thêm là chúng tôi có một bản đánh máy bản do ông Đạm Hiên ở Huế hiệu đính năm 1969. Nhưng đây là một bản gần như viết lại hoàn toàn, không phải là hiệu đính, nội dung lại có nhiều lệch lạc. Bản này chúng tôi không dùng" (Lương An, bản thảo "Vè chống Pháp", viết tay, chụp lại; tr. 2 của bài "Về công tác văn bản và chú thích vè "Thất thủ kinh đô"" thuộc bản thảo này).

[6] ▲ Bửu Kế, "Chuyện triều Nguyễn", (bài "Tòa Khâm sứ Pháp"), Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr. 89. Trong 3 giả thuyết mà Bửu Kế liệt kê, có 2 giả thuyết như sau: "1. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đồng ý giết vua Kiến Phúc, tôn một vị vua nhỏ tuổi hơn để dễ việc nắm trọn quyền bính. 2. Hai vị quyền thần cho rằng Hiệp ước Harmand [lỗi in ấn, đúng ra là Hiệp ước Patenôtre ký ngày 6 tháng 6 năm 1884 (13 tháng 5 âm lịch) thay thế cho Hiệp ước Harmand giữa Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan đại diện cho nhà Nguyễn và Jules Patenôtre đại diện cho Pháp gồm 19 khoản.], các quan Việt Nam đã nhân danh vua Kiến Phúc để kí kết với Pháp, nếu vua Kiến Phúc không còn nữa thì hiệp ước sẽ mất hết hiệu lực" (trích nguyên văn).

[7] ▲ Phan Khoang, "Việt Nam, Pháp thuộc sử, 1862 - 1945", bản in lần thứ 2 (tăng bổ), Phủ QVK. đặc trách văn hóa (Tủ sách Sử học) xb., 1971, tr. 335, ở cước chú, cũng liệt kê tương tự như trên, nhưng gộp lại thành 3 luồng tin, và viết về nguồn tin thứ 3 như một tiểu kết: "Nhưng phần đông đều cho là vua chết vì bệnh" (nguyên văn).

[8] ▲ Trần Văn Giàu, "Chống xâm lăng", Nxb. TP. HCM. tái bản trọn bộ, 2001, tr. 451. Trích nguyên văn: "Đa số đình thần và cả vua Kiến Phúc với hoàng gia lại thường tư thông với khâm sứ Pháp ở Huế, làm trở ngại công việc của Tôn Thất Thuyết, cho nên đến tháng 7 năm 1884 chúng ta sẽ thấy Kiến Phúc chết bất ngờ, mờ ám; Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường sẽ chọn Ưng Lịch lên ngôi là vua Hàm Nghi mới 12 tuổi...".

[9] ▲ M. Rheinart, "Premier chargé d’affaires à Hué - Journal, notes, et correspondance" (Viên đại biện đầu tiên ở Huế - Nhật kí, ghi chú và thư tín), L. Sogny bình giải & ghi chú, Bulletins des Amis du vieux Húe (BAVH. / Tạp chí Những người bạn cố đô Huế), số 1 & 2, 1943, tr. 173.

[10] ▲ Nhiều tác giả, "Kỉ yếu Hội nghị Khoa học lịch sử, với đề tài "Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường"", ĐHSP. TP. HCM., 20/6/1996; Nhiều tác giả, "Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886) - Các báo cáo khoa học", Hội KHLS Thừa Thiên - Huế & TT. Khoa học xã hội & nhân văn Đại học Huế, 02/7/2002. Về chủ điểm này, có thể tìm đọc các bài của PGS. TS. Đỗ Bang; giảng viên, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc; giảng viên, nhà nghiên cứu Trần Thị Thanh Thanh v.v. trong 2 tập kỉ yếu trên. Ngoài ra, chủ điểm còn được nghiên cứu, thể hiện trong:

+++ Các luận văn cử nhân của Trần Thị Kim Hoa, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Lê Tiến Công;

+++ Một số bài báo trên "Tạp chí Xưa & Nay"..., trong đó, có bài của Trần Xuân An.
Để tham khảo, có thể chép lại một đoạn "Hạnh Thục ca" của Lễ tần Nguyễn Nhược Thị Bích:

"Nào ngờ nhiều nỗi chẳng may
Trị vì sáu tháng bệnh rày lại mang
Hết lòng khấn vái thuốc thang
Gẫm âu số mệnh đành khôn [*] cãi trời
Nương mây chút sớm tếch vời
Năm Thân tháng sáu rụng rời cành xuân".


[*] Chua thêm: [khôn = không thể; chăng = chẳng, không / cách dùng từ kiểu cổ].

[11] ▲ Sách "Đại Nam thực lục chính biên" (ĐNTL.CB, tập 36, sđd., tr. 176 - 178) ghi nhận: Qua một bản tấu nghị, trước đình thần, Tôn nhân phủ, luận tội của Gia Hưng vương Hồng Hưu loạn luân với công chúa Đồng Xuân (ĐNTL.CB., tập 36, như trên & tập 37, tr. 61 - 62 xác định có thật) và câu kết với Pháp (Pháp định đưa Hồng Hưu lên ngôi vua), Tôn Thất Thuyết cho rằng chính khâm sứ Pháp Rheinart đã nhân việc vua Kiến Phúc mất, vua Hàm Nghi đăng quang với tư cách một hoàng đế độc lập mà đưa tin gièm pha triều đình rất nhiều, nhưng không nói rõ là gièm pha rất nhiều về việc cụ thể gì. Nếu chỉ căn cứ đoạn trích nguyên văn nhật kí của Rheinart đã được trích dẫn bên trên, người đọc nhận thấy Rheinart viết về cái chết do bệnh của Kiến Phúc, nhưng không quên ý tưởng đổ tội cho hai phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, ấy là do sự độc đoán của họ. Kết hợp với bản tấu của Tôn Thất Thuyết, trong đó có dẫn lời Lemaire, thì chắn chắn Rheinart đã tìm mọi cách để tạo ra dư luận tại Huế (Đại Nam) và tại Paris (Pháp) để lật đổ hai vị phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết.

Về tư liệu này, để rộng đường công luận, bài viết cung cấp thêm ý tưởng trong một cuốn sách của Trần Xuân An, được chính tác giả diễn đạt lại như sau:

"Bản tấu nghị của Tôn Thất Thuyết (ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 176 - 178) thể hiện sự xác nhận mặc nhiên (vô hình trung) của ông về nguyên nhân cái chết của Kiến Phúc là do bệnh, như Quốc sử quán đã chép; đồng thời, qua bản tấu nghị ấy, Tôn Thất Thuyết cũng chỉ rõ phạm vi đối tượng mà Rheinart đưa tin gièm pha:

"Ngày tháng sáu, Giản tông Nghị hoàng đế mất, bọn chúng tôi vâng tuân lời di chúc, chọn lấy ngày 13 làm lễ tấn quang [vua Hàm Nghi - ct.]" [...];

"[...] “Trước đây về khoản làm lễ tấn tôn [vua Hàm Nghi đăng quang - ct.] và việc Hồng Hưu [bị xét xử công khai, bị thi hành án - ct.], có người không bằng lòng (ám chỉ vào Lê-na [Rheinart - ct.]), đưa tin gièm pha đã nhiều".


"Như đã trần thuật tóm tắt bên trên, đây là một bản tấu nghị công khai trước đình thần, Tôn nhân phủ, nội dung là luận tội Gia Hưng vương Hồng Hưu: tội loạn luân có quả tang và tội tiết lộ thông tin mật ("quân quốc trọng sự") cho Pháp, câu kết với Pháp, để đại tá Pháp Guerrier từ Bắc Kỳ đem quân vào Huế uy hiếp, chiếm đóng Mang Cá. Qua đó, ta thấy: Đối với một hoàng thân như Hồng Hưu, khi phạm tội về luân lí và chính trị như thế, cũng bị công khai xét xử và chịu hình phạt. Mở rộng ra: Không những Hồng Hưu, mà còn nhiều hoàng thân khác, cũng bị xét xử, chịu án như thế (phần lớn là án về đạo đức), suốt cả các triều vua Nguyễn. Tất cả đều được ghi chép vào "Đại Nam thực lục chính biên", "Đại Nam liệt truyện". Từ đó, chúng ta có thể thấy vụ việc thêu dệt vu khống quanh cái chết của Kiến Phúc là hoàn toàn không có thật. Nếu có thật như các luồng tin đồn đãi, đơm đặt, chắc chắn Quốc sử quán đã ghi chép vào "Đại Nam thực lục chính biên" như đã ghi chép về Hồng Hưu...".

Và sau đây là nguyên văn đã công bố trên một tạp chí điện tử:

“Nguyễn Văn Tường dũng cảm, mưu trí và nhận một kết quả bi đát, đậm tính hi sinh cao cả hơn Tôn Thất Thuyết nhiều lần. Nguyễn Văn Tường còn là một Nguyễn Trãi, tuy bi kịch mỗi người một khác – không có quan hệ yêu đương gì với Học phi (bà được phong hoàng thái phi như mẹ ruột của Hiệp Hòa, vì Hiệp Hòa đã tạo ra tiền lệ)”.

“Chính "Đại Nam thực lục, chính biên", đệ tứ và đệ ngũ kỉ, biên soạn chủ yếu dưới thời Thành Thái, lại khắc in cũng ở thời Thành Thái, năm thứ 6 (1894) đến năm thứ 14 (1902) – Thành Thái là con trai của Dục Đức! – đã làm sáng tỏ nhân cách đạo đức của Nguyễn Văn Tường trong bi kịch bị vu khống này, cũng như tất thảy những vụ việc khác, một cách chi tiết trong hạn chế của ý hệ bảo hoàng! [ĐNTL.CB., các tập 27 – 36, sđd.; lời dụ và tờ tâu về việc khắc in, tr. 12 và tr. 17 (tập 27), tr. 5 và tr. 13 (tập 36)]”.

(Xem: Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường, 'những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được'", tập khảo luận & phê bình sử học, bài “NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886) VỚI NHIỆM VỤ LỊCH SỬ SAU CUỘC KINH ĐÔ QUẬT KHỞI (05 THÁNG 7.1885)”, Tạp chí điện tử Giao Điểm, số tháng 5-2005 (đăng ngày 6.5.2005):

http://www.giaodiem.com/mluc/
mluc_III05/505_nvtuong_II.htm
).

Từ những luận cứ, luận chứng thanh minh cho Nguyễn Văn Tường và Học phi (không phải đầu độc; không có việc tư tình vô luân lí; Học phi sống đến năm 1893 với hạnh kiểm tốt, không chịu một bản án truy cứu nào), đồng thời thanh minh cho Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết (không phải đầu độc; không phải không dám xét xử công khai như đối với Dục Đức, Hiệp Hòa), người đọc thấy Trần Xuân An đã cố gắng làm sáng tỏ về cái chết của Kiến Phúc: không phải chết vì thân Pháp, phản quốc (như Dục Đức, Hiệp Hòa) và cũng không phải chết trong sự dơ bẩn về luân lí (nạn nhân của một vụ dâm ô), Kiến Phúc là một vị vua trẻ có tâm, có chí với đất nước, không may đã chết vì bệnh nan y trong thuở bấy giờ.

[12] ▲ 12,0 12,1 Trần Xuân An, "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)", truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, đã được Hội đồng Tư vấn, phản biện & Giám định thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam giám định, Tổng thư kí Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc viết lời giới thiệu, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2004.

[13] ĐNTL.CB., tập 36, sđd., 1976, tr. 165 – 169. Xem:

"Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường",
tập IV, tệp 3


http://www.tranxuananpcdtnvt4a.blogspot.com

[sửa]
Xem thêm:

1. Nguyễn Văn Tường (Wikipedia - Tiếng Việt)

2. Bài nghiên cứu Nguyễn Quốc Trị về đề tài này

3. "Hoàng tộc lược biên" & "Nguyễn Phước tộc giản yếu", viết về Kiến Phúc (Kiến Phước)

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, “Quốc triều chính biên toát yếu”, bản tiếng Việt của Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, 1998, 548 – 555.

“Quốc triều chính biên toát yếu” (bản e-book, tr. 213 – 215):

http://chuyenluan.net/LichSuVN/
Quoc%20Trieu%20Chanh%20Bien%20Toat%20Yeu.pdf


___________

Website nguyenphuoctoc – KienPhuc :

http://www.nguyenphuoctoc.com/
giapha/29kphuoc.htm


YAHOO SEARCH :

http://216.109.125.130/search/cache?ei=
UTF-8&fr=sfp&p=%22Nguy%E1%BB%85n
+V%C4%83n+T%C6%B0%E1%BB%9Dng%22&u=
www.nguyenphuoctoc.com/giapha/29kphuoc.htm&w=
%22nguy%E1%BB%85n+v%C4%83n+t%C6%B0%E1%BB%9Dng
%22&d=G47KSzmtMvSq&icp=1&.intl=us


TRÍCH NGUYÊN VĂN (theo LINKs trên):

"Đức Giản Tôn Nghị Hoàng Đế, con thứ 3 (con nuôi) của Đức Tự Đức. Ngài khai lập Hệ Năm Chánh.

Ngài được tôn lập lên ngôi đặt niên hiệu Kiến Phước vào tháng 12/1883. Ngài ở ngôi với việc triều chính có 2 đại thần phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường quyết đoán.

Ngài tức vị chưa được bao lâu thì lâm bệnh và băng hà vào ngày 31/7/1884.
Lăng của Ngài hiệu Bối Lăng, ở phía trái Khiêm Lăng, tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Ngài vô tự nên Hệ Năm Chánh không có phòng".
(Trích “Hoàng Tộc Lược Biên”)

"Đức Giản Tôn Nghị Hoàng Đế, con thứ 3 (con nuôi) của Đức Tự Đức. Ngài khai lập Hệ Năm Chánh.

Ngài được tôn lập lên ngôi đặt niện hiệu Kiến Phước vào tháng 12/1883. Ngài ở ngôi với việc triều chính có 2 đại thần phụ chính Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường quyết đoán.

Ngài tức vị chưa được bao lâu thì lâm bệnh và băng hà vào ngày 31/7/1884.
Lăng của Ngài hiệu Bối Lăng, ở phía trái Khiêm Lăng, tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ngài vô tự nên Hệ Năm Chánh không có phòng".
(Trích “Nguyễn Phước Tộc giản yếu”)


Xuất xứ

http://vi.wikipedia.org/
wiki/Ki%E1%BA%BFn_Ph%C3%BAc



Thể loại (4): Bàn cãi về TĐTL | Vua nhà Nguyễn | Sinh 1869 | Mất 1884


Tiền nhiệm:
Hiệp Hòa
Vua nhà Nguyễn
2/12/1883-31/7/1884
Kế nhiệm:
Hàm Nghi

_____________________________

THAM KHẢO TỪ SÁCH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ XUẤT BẢN (in giấy)
& CÔNG BỐ (sách điện tử - e-books)


MỜI QUÝ THÀNH VIÊN Wikipedia ĐỌC BÀI NÀY:
Nguyễn Văn Tường,
'những người trung nghĩa...', bài 2


hoặc:

http://tranxuanan-nvtnntnghia.blogspot.com/

Tran Xuan An 00:24, ngày 29 tháng 6 năm 2006 (UTC)


Trích nguyên văn:
[.........]
"3. Kiến Phúc

Và vẫn không thể chọn Ưng Kỷ (sau này là Đồng Khánh), hai phụ chính, hoàng thân, đình thần tôn Ưng Đăng lên ngôi cửu ngũ.

Khoảng tám tháng sau, lại xảy ra biến cố!

Cái chết Kiến Phúc, chính là do Hồng Hưu hoặc Dục Đức gây ra (2). Trước hết, Kiến Phúc chết vì tham vọng trở lại ngôi vua của Dục Đức. Pháp đã mớm ý cho Vũ thị (hoàng hậu của Tự Đức, mẹ nuôi của Dục Đức), tại Khiêm Lăng, để Vũ thị truyền lại nội dung mớm ý ấy cho vua bị phế truất! (?). Dù vậy, ĐNTL.CB. chép về việc này khá mơ hồ: “Công [khâm ? – ct.] sứ Pháp đến thẳng ngoài cửa Khiêm cung chơi xem. Người đóng ở đấy và quản suất không bảo ban ngăn cản được” [14]….

Hơn nữa, Pháp chơi một lúc hai con bài chủ: không chỉ Dục Đức, mà cả Hồng Hưu! Chúng định đưa lên ngôi một tên vua loạn luân có quả tang, thân Pháp, tiết lộ quân quốc trọng sự, thực hiện âm mưu thực dân của chúng [15]. Trước triều thần, Tôn Thất Thuyết đã nói rõ âm mưu của thực dân Pháp:

“… Sứ cũ Pháp là Lê-na [Rheinart – ct.] ủy cho kí lục Hinh tới dinh bọn tôi nói: “Nếu tôn Gia Hưng vương [Hồng Hưu – ct.] lên làm vua thì y thuận nghe, bằng không thế thì y gây chuyện…””. […] … “Việc Hồng Hưu [không được lên ngôi vua – ct.] có người không bằng lòng (ám chỉ vào Lê-na), đưa tin gièm pha [Triều đình – ct.] đã nhiều…” [16].

Xin trích lại nguyên văn "Hạnh Thục ca" của Nguyễn Nhược Thị Bích [17]:

“Đã yên việc nỗi Tây kia
Bấy giờ mấy kẻ hiềm nghi lo trừ…”.


Tất nhiên Nguyễn Nhược Thị Bích thương hại, bênh vực Dục Đức, phê phán Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết (3), theo cách cảm nghĩ của một người vừa bảo hoàng hơi mù quáng, vừa chủ “hòa”; thậm chí ít nhiều ái ngại bênh vực cả Hồng Hưu, mặc dù không kháng án hay cải chính gì về vụ loạn luân giữa Hồng Hưu và công chúa Đồng Xuân (sau bị đổi là Phục Lễ, với nghĩa là phải tuân theo lễ giáo)! Chúng tôi chỉ trích dẫn để chứng minh rằng: Theo tác giả Hạnh Thục ca, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Tôn nhân phủ, đình thần cuối cùng phải ra lệnh thi hành án, bởi “ngờ ghét (hiềm nghi)” rằng, chính Dục Đức hoặc Hồng Hưu, một trong hai, đã ngầm giết Kiến Phúc hòng chiếm ngôi vua theo đúng ý đồ của thực dân Pháp. Cái “ngờ ghét” (ngờ, tất nhiên phải ghét), nói theo cách nói của Nguyễn Nhược Thị Bích, lại đúng sự thật với sự xác quyết!"

[..........]

Trích nguyên văn chú thích 2:

[.......]

"(2). ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 150 – 151 xác định rõ: Kiến Phúc chết vì bệnh. Trước đó, nhà vua vốn bị bệnh, và tuy đã bình phục nhưng chưa được như cũ (vẫn chịu lễ chầu mừng, ban thưởng cho quần thần). Không lâu sau đó, vị vua trẻ này lại bị bệnh tái phát rất nguy kịch, dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, theo lời Miên Trí tố cáo sự câu kết của Hồng Hưu với Pháp (cả tội loạn luân có quả tang của Hồng Hưu), đồng thời căn cứ vào bản sớ của Tôn Thất Thuyết (Rheinart nằng nặc đòi lập Hồng Hưu làm vua…), và nghị xử của Tôn nhân phủ, đình thần (ĐNTL.CB., tr. 176 – 178), người ta có thể thấy lô gích (logique) của sự việc như chúng tôi đã trình bày."

[........]

Tran Xuan An 11:15, ngày 29 tháng 6 năm 2006 (UTC)

_______________________________

Và xin cung cấp thêm:

Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường,
tệp 3, tập IV


hoặc:

http://tranxuananpcdtnvt4a.blogspot.com/


Trích nguyên văn trong bộ sách "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)", Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004, tr. 784 - 785, & theo link đã dẫn:

"Lời tâu hặc của Chấn Tĩnh quận công Miên Trí, quá trình điều tra, nghị xử của Sở Túc vệ, Tôn nhân phủ, bản tấu của đại thần Tôn Thất Thuyết (ghi rõ sự câu kết của Hồng Hưu với Rheinart, lời bàn thảo của Lemaire có trình bày rõ về mưu đồ, hành vi đen tối của Rheinart), và những tang chứng, nhân chứng, tất cả đã làm sáng tỏ vụ việc.

Sau Hồng Bảo, Dục Đức, Hiệp Hoà, đây là vụ thứ tư thực dân Pháp thực hiện âm mưu lũng đoạn ngai vàng triều Nguyễn để nắm lấy quyền lực, nhằm khuynh loát, đẩy dân tộc ta vào vực thẳm nô lệ.

Người ta đã đặt vấn đề, căn cứ vào lô-gích (logic, logique) của chuỗi vụ việc trong sự kiện này:

+++ 1. Tại sao Kiến Phúc chết? Phải chăng Hồng Hưu giết Kiến Phúc một cách mờ ám theo sự câu kết với thực dân Pháp?

+++ 2. Phải chăng không thể không nghi ngờ Pháp muốn đưa Dục Đức trở lại ngai vàng, sau khi Dục Đức sai người giết Kiến Phúc một cách ám muội? (Lúc này Dục Đức và gia đình riêng vẫn còn sinh sống và học tập tại Giảng đường Viện Thái y).

+++ 3. Tại sao thực dân Pháp muốn đưa Hồng Hưu, vốn là một tội phạm loạn luân lên ngôi hoàng đế? Phải chăng do phong tục của người Pháp là người ruột thịt trong họ tộc (anh chị em họ chẳng hạn) có quyền kết hôn, mà theo phong tục nước ta như thế là loạn luân? Đây cũng là một mắc mứu của “tả đạo”?

Sự thật, vua Kiến Phúc chết vì bệnh (tái phát trầm trọng sau khi đã khỏi). Nếu nghi vấn, thì chỉ có thể đặt một giả thuyết duy nhất, ấy là do một chất độc nào đó của Pháp, Pháp đã trao cho Hồng Hưu hoặc người thân tín của Dục Đức, mà các quan ngự y (vốn giỏi nhất nước) trong Thái y viện không giám định pháp y được. Còn những câu hỏi khác đã được làm sáng tỏ bằng chính văn bản, trong đó quan trọng nhất, có tính chất đúc kết là bản tấu của Tôn Thất Thuyết, bản án của Tôn nhân phủ (mà về sau, chính triều thần và Đồng Khánh khi đã lên ngôi, cũng vô hình trung [đúng hơn là đã tảng lờ về chính trị] và khá minh nhiên [về đạo đức] xác định lại bản án đó là hoàn toàn đúng sự thật).

Thực dân Pháp không thể không tức giận khi vua Hàm Nghi, chứ không phải Hồng Hưu hoặc Dục Đức được đưa lên ngai vàng.

Sau khi đưa Hồng Hưu đi an trí, vào tháng chín nguyệt lịch, Miên Lâm và Miên Trữ đã được cử thay vào chức trách bị trống:

“Lấy người tả tôn nhân Phủ Tôn nhân Hoài Đức quận công là Miên Lâm đổi quyền hữu tôn nhân Phủ ấy; sung phụ chính thân thần Tuân quốc công là Miên Trữ kiêm tả tôn nhân Phủ ấy” (129).

Hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và triều đình, hoàng tộc, Tam cung (thái hoàng thái hậu Từ Dũ, hoàng thái hậu Vũ thị, hoàng thái phi Nguyễn Văn thị) đã có giải pháp đúng đắn, bình tĩnh, khi đứng trước thủ đoạn xâm lược (lũng đoạn nội bộ triều đình, hăm doạ tấn công kinh thành) với chiêu bài “bảo hộ” của thực dân Pháp.

“Đã yên rồi nỗi Tây kia
Bây giờ mấy kẻ hiềm nghi lo trừ”
(130)

Ai là những kẻ đáng bị “hiềm nghi” ? Câu trả lời cũng đã rõ: Hồng Hưu và Dục Đức! Hồng Hưu đã bị xử lí, còn Dục Đức? Sự thật dẫu vẫn thế, nhưng dưới lăng kính chủ “hoà”, bảo hoàng ngu trung, cố nhiên đã mang màu sắc khác!

Còn “nỗi Tây kia” chỉ mới tạm yên sau khi Rheinart bị triệt hồi về Pháp, để Lemaire, một viên quan văn Pháp có cá tính ôn hoà hơn, thay y làm khâm sứ tại Huế. Trong khi đó, cuộc chiến Pháp – Hoa vẫn rất dữ dội ở Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) và ở Đài Loan, hai nơi ấy đều thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Tình hình ở Bắc Kì vẫn rất căng thẳng.

Rõ ràng là thực dân Pháp vừa tấn công Trung Hoa bằng súng đạn, vừa tấn công vào nội bộ triều đình nước ta bằng sự lũng đoạn, áp lực.”

KÍNH CHÀO TẠM BIỆT WIKIPEDIA.
XIN HẸN GẶP LẠI VÀO NĂM SAU, 6-2007.

Tran Xuan An 13:10, ngày 29 tháng 6 năm 2006 (UTC)

Lấy từ http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o
_lu%E1%BA%ADn:Ki%E1%BA%BFn_Ph%C3%BAc


______________________________________________

LÀM RÕ MỘT SỐ Ý...

1. Ở bản tấu nghị của Tôn Thất Thuyết trong cuộc xét xử Hồng Hưu, ông có viết rằng Rheinart "đưa tin gièm pha triều đình đã nhiều". Cho đến nay, tôi chưa tìm được số báo nào hoặc văn bản nào thời bấy giờ có nội dung cụ thể là Rheinart "đưa tin gièm pha" những gì. Tuy nhiên, theo nhật kí, ghi chú & thư tín của Rheinart đã được con trai của y công bố trên BAVH. (Tạp chí Những người bạn cố đô Huế), vào 1943, với lời bình chú của Sogny, chúng ta biết Rheinart ghi trong nhật kí, ghi chú & thư tín ấy là Kiến Phúc chết vì bệnh và vì khiếp sợ hai vị phụ chính (!). Xin phân biệt rõ: "Đưa tin gièm pha" vào năm 1884 và nhật kí, ghi chú & thư tín công bố vào năm 1943 là 2 việc khác nhau, 2 văn bản khác nhau. Trong thực tế, có thể Rheinart viết nhật kí, ghi chú & thư tín như thế, nhưng lại "đưa tin gièm pha" khác hẳn.

2. Ở một số bản viết về một loại tin đồn quanh cái chết của Kiến Phúc, đại để câu nói của Kiến Phúc như thế này: "Trẫm lành bệnh rồi, trẫm sẽ chém đầu ba họ nhà [các] ngươi" (có vài bản thuộc loại này, câu ấy lại là: "Thầy đừng tưởng gươm nhà Nguyễn không sắc"), khiến người đọc dễ liên tưởng đến mẫu đề (motif) vụ án Lệ chi viên (Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và Lê Thái Tông [1434 -1442]).

3. Tôi khẳng định lại: Tôi đã viết và đã công bố cả trên tạp chí, trong hội thảo lẫn trên internet với links cụ thể nghiên cứu & truyện - kí - khảo cứu của mình (& đã trích lại nguyên văn trên trang thảo luận tại Wikipedia này):

3a. Đưa ra một giả định có chứng minh bằng các luận chứng, luận cứ: Hồng Hưu hoặc chính Dục Đức đã trực tiếp hoặc sai người thân tín đầu độc Kiến Phúc theo âm mưu của thực dân Pháp để nắm lấy ngai vàng hoặc trở lại ngai vàng. Tuy nhiên, ngay ở các bài viết ấy, tôi vẫn trần thuật tóm tắt đúng y nguyên văn "Đại Nam thực lục chính biên", tập 36, sđd., số trang đã dẫn: Kiến Phúc chỉ chết vì bệnh mà thôi. Tôi vừa đưa ra một giả định nhưng đồng thời vừa trần thuật đúng như "Đại Nam thực lục chính biên" (kể cả "Quốc triều chính biên toát yếu"...).

3b. Nếu ở một bài nghiên cứu "Bi kịch ở điểm đỉnh mâu thuẫn 1883-1884 và sự chiến thắng của nhóm chủ chiến yêu nước triều đình Huế" đã đăng trên Tạp chí Xưa & Nay (thuộc Hội KHLS. VN., số 118 tháng 6.2002, tr. 18 – 19, xem tiếp tr. 23 – 24, ngày 09.8. 2003 [HB.3], tự nhuận sắc), tôi nghiêng về việc nhấn mạnh giả định Hồng Hưu hoặc Dục Đức đầu độc Kiến Phúc theo âm mưu của Rheinart, thì ở bộ sách "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)", sđd., tr.đd., tôi lại nghiêng về các đoạn ghi chép lại cái chết Kiến Phúc trong "Đại Nam thực lục chính biên", tập 36, sđd., tr.đd.. Tuy vậy, tôi vẫn đưa ra giả định như ở bài nghiên cứu đăng tạp chí nói trên.


Một lần nữa, tôi xin khẳng định, trong bài viết chính trên Wikipedia, tôi khẳng quyết rằng Kiến Phúc chết vì bệnh và chỉ chết vì bệnh mà thôi. Tuy vậy, cũng có thể bổ sung thêm giả định Kiến Phúc chết do Hồng Hưu hoặc Dục Đức trực tiếp hoặc sai người thân tín đầu độc Kiến Phúc.

Trân trọng & cảm ơn
Tran Xuan An
01:24, ngày 1 tháng 7 năm 2006 (UTC)

http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o
_lu%E1%BA%ADn:Ki%E1%BA%BFn_Ph%C3%BAc

0 Comments:

Post a Comment

<< Home