TRAN XUAN AN - GOP PHAN VAO WIKIPEDIA

Saturday, June 24, 2006

WKIPEDIA: THÁI ĐỘ TRUNG LẬP

Cần viết thêm một vài dòng
về "thái độ trung lập"
gửi quý thành viên ở nước ngoài




Chúng ta đã thảo luận, thậm chí tranh luận khá nhiều về "thái độ trung lập". Tôi mạn phép không nhắc lại những gì đã bàn, ngoài hai chữ trung chính, nhưng tôi cũng không đi sâu vào thái độ, tinh thần trung lập một cách trung chính thêm một lần nữa, ở mấy dòng chữ này.

Tôi chỉ thưa với quý thành viên một điều rất thừa, nhưng không viết ra, sẽ trở thành thiếu sót đáng ân hận.

1. Chỉ đối với những cuộc nội chiến hoặc đậm tính chất nội chiến của dân tộc, thái độ trung lập trong việc nghiên cứu sử học mới thật cẩn trọng quá mức cho phép. Tuy nhiên, nếu thời đoạn lịch sử càng xa, chúng ta càng có quyền khách quan tối đa, để xác định bộ phận dân tộc nào chính hay tà, hoặc tất cả đều tà hay tất cả đều chính (mười hai sứ quân; Lê - Mạc; Trịnh - Nguyễn...).

2. Đối với chiến tranh giữa giặc ngoại xâm (Trung Hoa phong kiến, Pháp, Tây Ban Nha, Vatican, Mỹ, Trung Cộng, Kh'Mer Đỏ...) và dân tộc Việt Nam chống xâm lược, chúng ta liệu có trung lập được không? Chắc chắn là không. Chỉ gay go một điều, là trong giai đoạn tìm đường cứu nước, khi đất nước phải chịu nhục nhằn dưới ách nô lệ của Pháp, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) lại dựa vào Liên Xô - Đệ tam Quốc tế Cộng sản. Trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc, chưa từng có một anh hùng dân tộc nào lại dựa vào một thế lực ngoại bang, quốc tế, thậm chí lệ thuộc vào lực lượng ấy khá nặng (ý hệ, vũ khí...) như vậy. Sự thể đó dẫn đến việc hình thành một bộ phận người Việt thuộc thành phần thứ ba (trung lập giữa lực lượng cộng sản [gồm cả Việt Minh] kháng chiến và lực lượng thực dân Pháp, phát xít Nhật xâm lược, chiếm đóng; trung lập giữa hai miền Nam [ngụy + tả đạo] - Bắc [cộng sản đậm màu Nga - Trung]; trung lập giữa hai khối tư bản và cộng sản trên thế giới). Điều này có thể thấy được và có thể cảm thông sâu sắc, mặc dù vẫn nhận thức rõ chiến công đánh Pháp, tả đạo, Nhật, Mỹ, Bành trướng Trung cộng, Kh'Mer Đỏ của cách mạng do Hồ Chí Minh - Lê Duẩn lãnh đạo là rất lớn, tuy không toàn bích.

3. Từ những lẽ như thế, chúng ta nên trung lập một cách trung chính tùy từng giai đoạn lịch sử khi nghiên cứu, đánh giá nhân vật, sự kiện lịch sử. Xin lưu ý: Tùy từng giai đoạn lịch sử, như đối với giai đoạn 1930 - 1975 chẳng hạn, thì trung lập còn có thể có lí, có cơ sở lịch sử. Nhưng trung lập thế nào được đối với những giai đoạn trước giai đoạn ấy! Nghiên cứu chiến tranh Pháp - Việt từ 1858 đến 1885 và mãi đến thập niên 20/XX (trừ phong trào cầu Nhật kháng Pháp vốn cũng dựa vào ngoại bang [*]), làm sao trung lập giữa 2 phía ngoại xâm và chống ngoại xâm được! Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và triều đình Huế trung lập giữa Pháp và Đại Thanh (Trung Hoa), nhưng vẫn ở về một phía là Đại Nam mà chống lại cả Pháp lẫn Hoa. Sự thể ấy là khác biệt.

Thực chất, nói chung, trung lập hay đứng về một phía chính nghĩa là do đối tượng nghiên cứu (tùy giai đoạn lịch sử) quy định, chứ không phải do chủ quan của người nghiên cứu.

4. Chỉ khi viết cho các loại tổ chức báo chí, xuất bản có tính chất toàn cầu với nhiều loại ngôn ngữ khác nhau như WIKIPEDIA mới nên trung lập, nhưng cũng phải trung lập một cách trung chính. Nếu ở trong nước, viết và giảng dạy một cách "trung lập "máy móc"" như thế, thì viễn cảnh mất nước là có thể thấy được, không xa. Sở dĩ người Việt giữ được nước là nhờ được hun đúc tinh thần chống ngoại xâm từ trong nhà, trong trường học và từ sách báo trong nước. "Trung lập" thế nào được! Tuy vậy, không phải vì chủ nghĩa yêu nước (bao gồm ý chí chống ngoại xâm) mà người nghiên cứu sử học lại vi phạm tính khách quan sử học. Đây là một khía cạnh rất tế nhị nhưng cũng rất rõ ràng, có điều lí giải, trình bày, phải rất dài. Hi vọng quý thành viên thấy giúp điều này.

Những dòng chữ trên, tôi viết như vậy là viết thẳng, viết thật. Đó là suy nghĩ của tôi, không phải là quan điểm chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kính mong quý thành viên hiểu giúp.

Trân trọng & cảm ơn.

TXA. 58.186.44.23 13:28, ngày 24 tháng 6 năm 2006 (UTC)

__________________

[*] Nhật đã là một lực lượng dựa vào thế lực thực dân Âu Mỹ để xâm lược Cao Ly từ 1875, nhất là sau khi Nhật đã bắt tay với Pháp, trục xuất các sĩ phu Đông Du (1908), và càng tệ hại hơn, khi Nhật trở thành phát-xít, với chính sách "Đại Đông Á", thực chất là chiêu bài bịp bợm, trực tiếp xâm lược nước ta (dẫn đến hơn 2.000.000 dân Việt chết đói), đa số dân Việt không còn hi vọng gì vào thế lực ngoại quốc giúp đỡ để chống Pháp. Rất nhiều người cho rằng theo Nga cộng, Trung cộng cũng chỉ "rước voi về dày mả tổ", "cõng rắn cắn gà nhà" mà thôi.

13:59, ngày 24 tháng 6 năm 2006 (UTC)

Trần Xuân An có sửa đổi vài chữ 03:09, ngày 25 tháng 6 năm 2006 58.186.33.219 (UTC)

+++ Việt Nam, 10 giờ 30', 25-06 HB6 (2006) +++

0 Comments:

Post a Comment

<< Home